• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ TÂY HÒA
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ BỆNH THỦY ĐẬU

  Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây qua đường tiêu hóa, thường gặp trẻ nhỏ có khả năng gây thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ. Tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Bệnh thuỷ đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Vi rút gây nên, thuỷ đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi một người mang siêu vi thuỷ đậu nói, hắt hơi hoặc ho thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi người khác hít phải bệnh đó sẽ lây bệnh ngay.

1. Bệnh Tay chân miệng

          NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP 1

          Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây qua đường tiêu hóa, thường gặp trẻ nhỏ có khả năng gây thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ. Tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

          Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện:

          -  Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch

          - Thực hiện ăn chín, uống chín. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi.

          - Thường xuyên lau rửa, vệ sinh đồ chơi, vật dụng cụ tiếp xúc của trẻ bằng xà phòng

          - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh/người nghi ngờ mắc bệnh

          - Vệ sinh răng miệng, điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên

          - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh Phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý đúng quy định

          - Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

          Bàn tay sạch sẽ, ngăn ngừa bệnh tật và đảm bảo cuộc sống an toàn, hạnh phúc.

 

          NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP 2

          Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong.

          Dấu hiệu của bệnh:

          - Sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn.

          - Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

          Đường lây truyền

          - Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi, họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu

          Để phòng bệnh tay chân miệng:

          - Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi.       - Không dùng chung chén, bát, đĩa, thìa.

          - Thực hiện ăn chín, uống chín

          - Thường xuyên lau rửa các bề mặt, vật dụng: đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác.

          - Phân của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

          - Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, không tiếp xúc với trẻ khác, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

          Tích cực chủ động phòng chống không để con em mình mắc tay chân miệng.

 

 

         

          2. Bệnh Thủy đậu:

          Bệnh thuỷ đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Vi rút gây nên, thuỷ đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi một người mang siêu vi thuỷ đậu nói, hắt hơi hoặc ho thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi người khác hít phải bệnh đó sẽ lây bệnh ngay.

          Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ em. Bệnh xảy ra ở người lớn nặng hơn trẻ em.

          Bệnh có thể rải  rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch lớn nhỏ ở nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.

          * Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết:

          - Triệu chứng thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với người bệnh.

          - Biểu hiện của bệnh:

          + Sốt nhẹ từ 1 đến 2 ngày.

          + Cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người và toàn thân phát ban.

          + Ban thuỷ đậu thường dưới dạng những chấm đỏ lúc đầu sau đó phát triển thành các mụn nước.

          + Đầu tiên ban mọc ở đầu, mặt, cổ, thân người và các chi.

          + Ban thuỷ đậu thường rất ngứa.

          * Biến chứng: 

          Thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não,...

          - Chứng viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn nhưng rất nặng và rất khó điều trị.

          - Chứng viêm não do thủy đậu cũng vẫn xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, quờ quạng chân tay, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê.

          - Những trường hợp nặng có thể gây chết người nhanh chóng, và một số trẻ tuy qua khỏi được vẫn mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, bị khờ, bị động kinh,…

          - Bà mẹ đã bị thủy đậu trong lúc mang thai, và bệnh đã xảy ra trong 6 tháng đầu của thai kỳ gây thủy đậu bẩm sinh cho con nhưng tai hại hơn nữa lại có kèm theo một số dị tật: teo cơ ở chân tay, bệnh ở mắt (bệnh "đục thủy tinh thể", có thể gây mù).

          * Điều trị bệnh:

          - Chống nhiễm khuẩn, hạ sốt, an thần.

          - Tại chỗ: Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ khi vệ sinh sạch sẽ.

          - Nên cách ly người bệnh từ 5 đến 7 ngày để tránh lây lan.

          - Luôn mặc quần áo thoáng mát, tránh gió cho người bệnh. 

          - Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

          - Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh,... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

          - Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hoạt động y tế