• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ TÂY HÒA
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh mắt trẻ em và nguy cơ gây mù lòa ở trẻ

 

Số lượng trẻ mắc phải những bệnh lý về mắt ngày một tăng cao. Xét về yếu tố tự nhiên, không khí ngày một ô nhiễm chủ yếu do khói bụi. Đồng thời, trẻ em cũng được ba mẹ nuông chiều, cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,... từ nhỏ. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh liên quan đến mắt cũng chiếm tỷ lệ cao.

1. Các bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ em

Sự phát triển ngày một hiện đại của các thiết bị công nghệ đã thu hút rất nhiều trẻ em tò mò và lạm dụng chúng, chẳng hạn như điện thoại, tivi, laptop, máy tính,... Tuy nhiên, ngoài đáp ứng thú vui, sự tò mò của trẻ, các thiết bị này còn phát ra một tia sáng ảnh hưởng đến mắt nếu trẻ sử dụng thường xuyên. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc các bệnh liên quan đến mắt. Cụ thể gồm:

1.1. Tật khúc xạ

Đối với trẻ em, các bộ phận trên cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa thực sự hoàn chỉnh. Điển hình như mắt của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn toàn nên việc kích thích sự căng thẳng do các thiết bị điện tử gây ra khiến mắt của trẻ bị ảnh hưởng. Nếu không được kiểm soát và thư giãn, khả năng cao trẻ sẽ bị mắc các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa 2 mắt.

Tật cận thị khá phổ biến ở trẻ em hiện nay

Tật cận thị khá phổ biến ở trẻ em hiện nay

1.2. Phơi nhiễm ánh sáng xanh

Nhiều phụ huynh không biết rằng việc cho con trẻ tiếp xúc với điện thoại, ipad thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho ánh sáng xanh trong các thiết bị này tấn công mắt trẻ. Loại ánh sáng này gây ảnh hưởng khá lớn đến võng mạc của trẻ, nếu nặng hơn thì dẫn đến bệnh võng mạc. Căn bệnh này xuất phát do các mạch máu hoạt động không ổn định, bất thường và ngày một mở rộng ra mô lót và võng mạc. 

Các mô mắt rất nhạy cảm, do đó việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh khiến chúng bị vỡ, gây ra sẹo trong võng mạc. Sau một thời gian, các vết sẹo này sẽ bong ra, kèm theo bong võng mạc. Trong các trường hợp bị bong võng mạc, thường dẫn đến biến chứng nặng nề hơn là giảm hoặc mất thị lực, gây mù lòa ở trẻ.

1.3. Lác mắt

Khi trẻ sử dụng thiết bị điện tử, nếu mắt bị nheo, không nhìn đúng trọng tâm thì nguy cơ cao là trẻ đã bị lác mắt. Ở giai đoạn đầu, bệnh lý này không thể hiện rõ rệt nhưng theo thời gian bệnh trở nặng và dễ dẫn đến một số bệnh rất nguy hiểm. Điển hình như bệnh đục thủy tinh và hỏng giác mạc. Theo các bác sĩ, bệnh lác mắt chỉ có thể can thiệp để giảm tình trạng của trẻ chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Trẻ bị lác thường có biểu hiện nheo mắt liên tục

Trẻ bị lác thường có biểu hiện nheo mắt liên tục

1.4. Khô mắt

Bệnh khô mắt ở những trẻ thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử khá phổ biến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu vì trẻ quá chú tâm vào điện thoại, tivi,... khiến cho mắt không chớp được hoặc không cung cấp đủ dầu. Đặc biệt, những trẻ ít nước mắt thường có khả năng mắc bệnh này rất cao.

1.5. Mỏi mắt

Khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thường có sự tập trung cao độ, tức mắt phải hoạt động nhiều hơn, căng thẳng hơn, dẫn đến tình trạng mỏi mắt. Thông thường phụ huynh bắt gặp trẻ vừa chơi điện thoại, vừa dụi mắt và đây cũng là một biểu hiện của bệnh. Sự nhức mỏi mắt khiến trẻ cảm thấy cộm xốn, khó chịu, Do đó, các bạn cần quan tâm đến hoạt động hằng ngày của trẻ để dễ dàng nhận biết bệnh và cho trẻ đi khám, điều trị sớm nhất.

Dụi mắt thường xuyên là một biểu hiện của bệnh

Dụi mắt thường xuyên là một biểu hiện của bệnh

2. Các bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh

Ngay khi vừa sinh ra, mắt của trẻ sơ sinh đã có thể quan sát được nhưng phạm vi rất nhỏ (khoảng 25cm) và sẽ liên tục tăng lên ở những ngày sau đó. Tuy nhiên, một số trẻ kém may mắn hơn, ngay từ khi lọt lòng mẹ đã mắc phải một số căn bệnh liên quan đến thị giác. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến thị lực sau này của trẻ. Sau đây là một số bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh:

2.1. Bệnh viêm kết mạc

Đây là căn bệnh khá phổ biến đối với những trẻ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Để phát hiện bệnh, ngay từng những ngày đầu, gia đình cần theo dõi khả năng quan sát của trẻ. Đối với những trẻ bị viêm kết mạc, ba mẹ cần giúp trẻ loại bỏ dịch mủ trắng bằng cách massage mắt với nước ấm thật nhẹ nhàng. 

Bên cạnh đó, mắt của trẻ cũng cần được vệ sinh bằng dung dịch nước muối pha loãng hằng ngày. Để nắm bắt rõ tình trạng mắt, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi phát hiện triệu chứng bất thường.

Bệnh viêm kết mạc xuất phát từ virus - vi khuẩn

Bệnh viêm kết mạc xuất phát từ virus - vi khuẩn

2.2. Tắc tuyến lệ

Tắc tuyến lệ là một căn bệnh về mắt, rất thường gặp ở trẻ sơ sinh ngay từ những ngày đầu vừa mới chào đời. Quan sát trẻ có thể thấy mắt bị đỏ rõ rệt, kèm theo nhiều rỉ mắt. Lý giải về biểu hiện này, các bác sĩ cho rằng trong ống dẫn lệ bị cản trở bởi một vật nào đó nên nước mắt bị ngăn lại, không thể chảy xuống và làm sạch mắt. Do hiểu hiện của bệnh tắc tuyến lệ thường khá mờ nhạt nên việc phát hiện và chẩn đoán thường gặp khó khăn. 

Chính vì thế, ba mẹ cần quan tâm trẻ, theo dõi trẻ từ những ngày đầu tiên đến những tháng sau để nhận biết những bất thường ở trẻ. Để thông tuyến lệ cho trẻ, phụ huynh có thể vuốt dọc sống mũi của trẻ thường xuyên. Cách vuốt cũng khá đơn giản, ba mẹ chỉ cần vuốt nhẹ từ sóng mũi xuống cánh mũi của bé. Tuy nhiên, phụ huynh không thể tự ý điều trị cho con mà cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ.

2.3. Đục thủy tinh thể

Bệnh đục thể thủy tinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm cả yếu tố di truyền. Nhưng chủ yếu trẻ bị bệnh đục thủy tinh do bị rối loạn chuyển hóa hoặc bị nhiễm vi khuẩn. Trong đó, sự kết hợp nhiều bệnh lý trên cơ thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Căn bệnh này có ảnh hưởng rất lớn đối với mắt của trẻ điển hình như dẫn đến mù lòa, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

Đục thủy tinh thể dễ dẫn đến mù lòa ở trẻ

Đục thủy tinh thể dễ dẫn đến mù lòa ở trẻ

2.4. Lác - lé mắt

Khi trẻ sinh ra, nhiều bộ phận chưa được ổn định và chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài nên khiến cho trẻ có biểu hiện như bị lác. Theo thời gian, mắt của sẽ dần hồi phục như những trẻ bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng này không hề hồi phục mà duy trì đến khi trẻ được 1 tuổi, khiến thị giác bị ảnh hưởng, trẻ dễ bị cận thị hoặc loạn thị.

Tóm lại, mắt của trẻ sơ sinh và trẻ em khá nhạy cảm do cấu trúc chưa thực sự hoàn thiện nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Những bệnh về mắt không chỉ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong đời sống mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách, khả năng dẫn đến mù lòa ở trẻ rất cao. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc con trẻ ngay từ khi sinh ra cho đến khi chúng trưởng thành.

Với những chia sẻ của bài viết này, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ nhận thức rõ hơn về các nguy cơ và bệnh lý liên quan đến mắt của trẻ. Việc phòng ngừa bệnh từ khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp trẻ bảo vệ đôi mắt của mình được khỏe mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết